HotLine: 0902 63 64 39 - 0916 422 911 ( Zalo - Viber )
Giỏ hàng 0
Trang chủ Tin Tức Làm Đẹp Bí quyết làm đẹp Chị Em "Phát Sốt" Với Cách Làm Nghệ Tươi Ngâm Mật Ong – Vừa Làm Đẹp Vừa Chữa Bệnh

Chị Em "Phát Sốt" Với Cách Làm Nghệ Tươi Ngâm Mật Ong – Vừa Làm Đẹp Vừa Chữa Bệnh

Cập nhật 10:00, 11/11/2017

Nếu bạn quan tâm đến những sản phẩm làm đẹp - chữa bệnh thiên nhiên thì hãy làm 1 hũ nghệ ngâm mật ong cùng tớ nhé.

Dạo này đang rảnh nên tớ tranh thủ làm thêm 1 hũ nghệ tươi ngâm mật ong. Đợt trong Sài Gòn tớ làm 1 hũ nhưng giờ lại chuyển ra Hà Nội, không mang theo được nên đành phải ngâm hũ mới. Có 1 hũ nghệ ngâm mật ong trong nhà cảm thấy yên tâm lắm các bạn ạ, dùng để chữa bệnh hay làm đẹp gì cũng được luôn. Tớ hay dùng nghệ mật ong để uống mỗi khi đau bụng, đau dạ dày hoặc để đắp mặt nạ nhằm dưỡng ẩm, trị mụn , trị thâm và chống lão hoá nữa, kiểu gì cũng tiện. 

A- Chuẩn Bị Nguyên Liệu

1. Nghệ Tươi

Nên chọn củ nghệ già, khoẻ mạnh, sẫm màu (nhạt màu quá thì sẽ bị non còn sẫm đen thì dễ bị hỏng), nếu được củ nghệ cái (củ chính của cây nghệ, nơi mọc ra các nhánh củ con khác) thì càng tốt vì củ cái là nơi tập trung nhiều dưỡng chất có lợi nhất.

Có nhiều loại nghệ để bạn lựa chọn: nghệ vàng, nghệ đỏ, nghệ đen. Ngâm loại nghệ nào cũng được cả, tác dụng không chệnh lệch nhau nhiều.

Nếu củ nghệ bạn mua còn tươi quá (bấm tay vào thấy nhiều nước) thì nên để vài hôm cho héo bớt đi, nghệ nhiều nước sẽ làm loãng mật ong khiến hỗn hợp dễ bị hỏng.

Bình thường tớ hay mua khoảng 200 - 300gr nghệ, bạn có thể mua nhiều hoặc ít hơn tuỳ vào thể tích bình ngâm của bạn.

2. Mật Ong

Nên chọn mật ong còn mới và đặc (mật ong lỏng quá không tốt), và tất nhiên, bạn nhớ mua mật nguyên chất ở nơi uy tín vì bây giờ mật ong giả pha đường rất nhiều

3. Hũ Đựng

Dùng hũ thủy tinh có nắp đậy kín, độ to nhỏ tuỳ vào lượng nghệ mật ong bạn muốn ngâm. Trước khi ngâm, bạn nhớ tráng hũ bằng nước nóng để diệt khuẩn và để khô.

Nếu nhà không có sẵn hũ thuỷ tinh, bạn có thể thay thế bằng chai nhựa, nhưng nên chọn loại nhựa tốt, có thể sử dụng được nhiều lần, tốt nhất là dùng nhựa PP, không nên dùng chai nhựa PET vì rất ọp ẹp và làm ảnh hưởng đến chất lượng nghệ ngâm của bạn.

4. Dụng Cụ Chèn Nghệ

Bạn có thể dùng bát, đĩa nhỏ, que, đũa, túi sạch đựng nước hay bất cứ cái gì nặng để đè nghệ xuống, không cho nó trồi lên (giống như khi muối cà vậy). Đồ chèn phải thật sạch và không làm ảnh hưởng đến chất lượng, mùi vị của của nghệ ngâm.

5. Chú Ý Liều Lượng

Tỉ lệ nghệ:mật ong1:2 hoặc 1:1,5. Lượng mật ong được đổ vào phải luôn luôn nhiều hơn nghệ, sao cho mật ong cao hơn mặt nghệ.

Dành ra khoảng 80% không gian của hũ để chứa nghệ và mật ong, để trống 20% còn lại cho vật đè nghệ. Ví dụ với hũ 500ml, tớ sẽ dành khoảng 400ml để chứa nghệ và mật ong, 100ml không gian trống để chứa vật đè nghệ và phần nước dâng lên vài ngày sau đó.

B- Cách Làm

Bước 1: Bẻ rời các nhánh nghệ. Gọt bỏ vỏ và những phần bị hư. Rửa sạch, sau đó để thật ráo nước

Bước 2: Cắt thành từng miếng mỏng hoặc thành cục nhỏ tùy theo ý muốn của bạn. Nhiều bạn cắt thành các lát tròn mỏng, còn tớ lại thích cắt thành hình que dài để thỉnh thoảng rút 1 que ra ăn =)))

Bước 3: Xếp nghệ vào hũ thuỷ tinh khô.

Bước 4: Từ từ đổ mật ong vào. Đảm bảo lượng mật ong đổ vào phải cao hơn nghệ (cao gấp đôi hoặc gấp rưỡi) và chừa một khoảng (⅕ hũ) để đặt vật đè và lượng nước tăng thêm.

Bước 5: Đặt vật đè. Chèn kỹ vật đè ra các góc để nghệ không nổi lên trên mặt mà phải luôn luôn nằm dưới lớp nước, nếu không sẽ bị nổi váng trắng và dễ hỏng.

Như trong hình, tớ dùng 1 túi ziplock nhỏ đựng nước, kéo chặt miệng túi lại, lồng thêm 1 túi nữa to hơn ra bên ngoài để phòng việc nước bị rò rỉ. Bạn phải nhớ rằng lượng nghệ + mật ong + vật đè phải gần kín hũ (chỉ chừa lại 1 chút - khoảng 2cm -để cho phần nước dâng lên sau này), không nên để quá nhiều khoảng trống trong hũ vì dễ làm cho nghê ngâm có mùi lạ nhé.

Bước 6: Vặn kín nắp hũ và cất ở nơi thoáng mát và tối (ánh sáng có thể làm giảm tác dụng của mật ong và nghê. Nếu ko để được chỗ tối (ví dụ như góc tủ bếp) thì bạn có thể bọc 1 lớp giấy quanh hũ nghệ cũng được). Sẽ có bọt nhẹ trong những ngày đầu, nhưng bạn đừng lo lắng, không cần vớt, miễn bạn luôn đảm bảo là nghệ không trồi lên khỏi mặt nước và đậy kín hũ. Đặt thêm một cái đĩa nhỏ bên dưới hũ để dự phòng nước bị tràn ra do bạn không chừa đủ chỗ cho nước dâng lên.

Trong trường hợp hũ nghệ ngâm có quá nhiều bọt mãi không hết thì nguyên nhân có thể do phần nghệ trồi lên trên và tiếp xúc với không khí trong hũ, hoặc hũ không được đậy kín trong suốt quá trình ngâm. Bạn hớt bớt bọt trắng rồi chèn kỹ lại để không có bất kỳ miếng nghệ nào trồi lên, sau đó đóng thật chặt nắp hũ.

Ngâm từ 2 tuần cho tới 1 tháng. Nếu bạn ngâm nhiều nghệ có thể để lâu hơn. Khi ngâm 1 thời gian phần xác nghệ sẽ chìm dưới đáy và không nổi lên nữa, lúc này bạn có thể bỏ vật chèn ra cũng được. Mật ong rất dễ hút ẩm từ không khí, vì vậy nên hạn chế mở nắp hũ trong quá trình ngâm.

Tùy vào loại mật ong từ những loại hoa khác nhau mà nghệ ngâm có màu sắc và vị ngọt khác nhau.

C- Bảo Quản

Khi mở ra sử dụng bạn nên chiết ra một hũ nhỏ để dùng thường xuyên, hết lại chiết tiếp, tránh việc mở ra mở vào nhiều lần làm ảnh hưởng đến cả bình nghệ lớn. Còn nếu bạn ngâm hũ bé bé xinh xinh thì không cần làm điều này.

Tương tự như lúc ngâm, cất hũ nghệ ở nơi thoáng mát và tối. Nếu thời tiết quá nóng nên bỏ vào tủ lạnh bảo quản.

Phần xác nghệ có thể để luôn trong hũ hoặc vớt hết xác nghệ ra 1 chiếc lọ khác rồi bỏ vào tủ lạnh, mỗi ngày có thể ăn 1-2 que (ăn hay lắm, hơi giòn, có vị nồng của nghệ và vị ngọt của mật ong), rất tốt cho tiêu hoá và dạ dày.

Luôn dùng muỗng sạch khô để múc nước nghệ ra.

Tốt nhất nên sử dụng hết hũ nghệ mật ong trong vòng 3 - 6 tháng.

Nếu hũ nghệ hơi có mùi rượu, bạn đừng lo, đó không phải điều xấu, chỉ là hũ nghệ đang lên men thôi. Thực phẩm lên men không xấu (khi bạn đảm bảo mọi khâu làm đều vệ sinh và đúng cách), bằng chứng là chúng ta sử dụng rất nhiều thực phẩm lên men để ăn uống thậm chí dưỡng da như sữa chua, giấm táo hay mỹ phẩm có thành phần lên men đấy thôi. Vi khuẩn tự nhiên ăn đường trong mật ong và và tinh bột trong củ nghệ tạo ra Axit Lactic. Quá trình này bảo tồn thực phẩm và tạo ra các enzyme có lợi giúp cơ thể hấp thụ dưỡng chất 1 cách dễ dàng hơn nên đây là điều tốt.

Còn nếu hũ nghệ ngâm của bạn có mùi lạ hay có màng màu xanh, tím thì có thể bạn đã phạm lỗi nào đó khi ngâm, nên bỏ hũ đó đi và không nên cố sử dụng.

D- Cách Sử Dụng

1. Làm Đẹp

Lấy 1 thìa nhỏ nghệ ngâm mật ong thoa đều lên mặt, hoặc trộn với các loại bột đậu, bột cám gạo hoặc bột neem… để làm hỗn hợp rửa mặt hằng ngày hoặc làm mặt nạ đắp 2-3 lần/ tuần với công dụng:

Tẩy da chết
Dưỡng ẩm
Trị mụn và ngừa mụn
Trị thâm, nám, làm sáng và đều màu da
Chống lão hoá

2. Đối Với Sức Khoẻ

Mỗi ngày uống 1 muỗng nghệ tươi ngâm mật ong với chút nước ấm để nhận các lợi ích như: 

làm khoẻ mạnh hệ tiêu hoá, giảm khó tiêu đầy bụng
Chữa bệnh dạ dày
Giảm đau bụng kinh
Giảm cholesterol
Chữa viêm khớp, nhức mỏi

Chú ý: phụ nữ có thai hoặc người mắc bệnh thiếu máu không nên uống nghệ.

Ngâm bột nghệ với mật ong được không?

Nếu nhà bạn có sẵn bột nghệ, và bạn không muốn lích kích như cách trên thì hoàn toàn có thể ngâm bột nghệ với mật ong bằng cách đổ mật ong vào vừa đủ lượng bột nghệ, liều lượng nhiều ít tuỳ bạn. Để yên cho mật ong tự ngấm, không cần khuấy lên, đậy nắp lại. Hôm sau, khi mật ong đã ngấm và lỏng, bạn chỉ cần khuấy nhẹ một chút là có được hỗn hợp mật ong và bột nghệ. Tuy nhiên sử dụng bột nghệ không tốt bằng việc sử dụng nghệ tươi (do trong nghệ tươi chứa tinh dầu nghệ và các chất béo tốt nhưng quá trình làm thành bột nghệ khô đã bị mất đi) nên tớ vẫn khuyến khích bạn dành chút thời gian ngâm 1 hũ nghệ tươi với mật ong dùng lâu dài để nhận được hết những công dụng tuyệt vời của hỗn hợp nghệ + mật ong nhé.

Cập nhật 10:00, 11/11/2017
Bài viết cùng danh mục