Ai mang giày cao gót mỗi ngày, nhất định không được bỏ qua những mẹo “thầnh thánh” dưới đây.
Giày cao gót là một trong những “vũ khí thời trang” không thể thiếu đối với bất kỳ quý cô nào. Không chỉ có tác dụng tăng chiều cao, mẫu giày kinh điển này còn giúp phái đẹp tô đậm nét duyên dáng, nhấn nhá vẻ nữ tính hiệu quả. Tuy có tính ứng dụng cao là vậy, song giày cao gót lại trở thành nỗi “ám ảnh” của nhiều cô gái vì cảm giác đau nhức, sưng chân bởi mang giày sai kích cỡ hoặc thiết kế quá cao.
Thay vì mua một đôi giày mới, nàng có thể áp dụng 3 mẹo dưới đây để tránh làm tổn thương bàn chân, lấy lại cảm giác thoải mái, tự tin khi mang giày cao gót.
1. Giảm ma sát bằng phấn rôm, băng cá nhân
Băng dán cá nhân
Để giảm lực tác động lên các ngón chân, bạn hãy sử dụng băng dán vết thương cá nhân. Nếu không muốn băng từng ngón, hãy dùng 1 miếng băng, quấn nhẹ nhàng hai ngón số 2 và số 3 tính từ ngón cái sang. Cách này sẽ giúp nàng cảm thấy thoải mái hơn dù phải mang giày cao gót cả ngày dài.
Phấn rôm
Khi không mang tất chân, bạn dùng khăn mềm hoặc giấy ăn thấm khô mồ hôi bàn chân. Sau đó, dùng phấn rôm phủ khắp chân, xoa nhẹ cả phần gót và các kẽ ngón. Phấn rôm không chỉ có độ mịn, giúp làm giảm ma sát giữa da chân và các cạnh giày mà còn có tính kháng viêm, ngăn ngừa vi khuẩn gây hôi chân.
Dùng phấn rôm là cách đơn giản bậc nhất để tránh tình trạng xây xước, tổn thương da chân. Với một lọ phấn rôm trẻ em, quý cô có thể dùng cả năm mới cần mua lọ khác.
Sáp nẻ
Trước khi mang giày, bạn hãy thoa một lớp sáp mỏng lên chân, có thể tận dụng ngay sáp nẻ đều được. Chú ý xoa đều gót chân, phần da trên gót và các đầu ngón chân.
2. Làm dãn giày bị chật bằng giấy báo
Với một số đôi giày khi mua về bị kích chân hoặc hơi chật, hay do buổi sáng ngủ dậy chân có vẻ to hơn bình thường mà bạn mất đi cảm giác thoải mái, hãy áp dụng ngay các mẹo sau đây:
Sử dụng giấy, báo
Để nới bớt giầy cho giãn ra, khi mang dễ chịu hơn, bạn cần một vài tờ báo hoặc giấy, đem nhúng qua nước cho ướt rồi nhét thật chặt vào trong giày xong đem phơi cho khô. Đến khi sờ thấy lớp báo giấy bên trong khô hoàn toàn, bạn bỏ ra, thử mang giày để thấy dễ chịu hơn hẳn.
Sử dụng vài lát khoai tây
Đây là một trong những cách được chị em nội trợ sử dụng khi giày bị kích chân. Cụ thể, bạn hãy lấy vài lát khoai tây đã rửa sạch, chà sát bên trong thành giày, chú ý các viền may tiếp xúc, có khả năng gây ma sát da. Sau đó, bạn để giày qua đêm và sáng hôm sau là sử dụng như bình thường.
Sử dụng đá viên
Cách làm giãn giày bằng đá viên cũng khá phổ biến. Thay vì dùng khuôn giày, bạn có thể đổ đầy các viên đá lạnh vào một túi có khóa, sau đó kéo kín miệng túi lại và nhồi vào trong giày và để qua đêm trên ngăn đá của tủ lạnh. Sáng hôm sau, bạn chỉ cần bỏ túi đá ra và hưởng thụ cảm giác thoải mái khi mang giày.
3. Làm mềm giày bị cứng bằng Vaseline
Những đôi giày cao gót được làm từ chất liệu nhựa cứng hoặc da cứng có thể làm tổn thương da, gây phồng chân hoặc sưng ngón chân. Để giảm thiểu tình trạng này, các cô gái có thể tận dụng bia, rượu hoặc kem dưỡng ẩm có tác dụng làm mềm giày.
Dùng bia
Với các thiết kế giày từ da nhân tạo, bạn hãy lấy một chút bia thoa đều vào mặt trong giày, xoa cả viền giày rồi để khô tự nhiên. Sau khi bia bốc hơi, giày sẽ mềm hơn lúc trước đáng kể.
Dùng cồn
Tương tự như bia, nhưng hãy sử dụng rượu hoặc cồn độ nhẹ cho thiết kế giày da thật. Rượu vừa giúp đánh bóng lớp da ngoài vừa có thể làm mềm giày khi xoa ở bên trong. Khi hơi cồn bay hết, bạn có thể đem giày sử dụng.
Dùng Vaseline
Khi mang giày cao gót, nàng có thể tận dụng Vaseline hoặc loại kem dưỡng ẩm bất kỳ xoa lên vùng da trong phía gót giày, xoa cả phần da chân tương ứng để làm giảm ma sát và khiến giày mềm hơn.
Đông Phương/Theo Thethaovaxahoi.vn