HotLine: 0902 63 64 39 - 0916 422 911 ( Zalo - Viber )
Giỏ hàng 0
Trang chủ Tin Tức Làm Đẹp Bí quyết làm đẹp 'Tiền mất, tật mang' vì lăn kim làm đẹp da mặt

'Tiền mất, tật mang' vì lăn kim làm đẹp da mặt

Cập nhật 15:00, 25/09/2017

Phương pháp lăn kim đang được quảng cáo thổi phồng, không chỉ chữa sẹo, lỗ chân lông to mà còn giúp trị thâm...

Lạm dụng lăn kim dễ gây dị ứng, nhiễm khuẩn da

Phương pháp lăn kim đang được quảng cáo thổi phồng, không chỉ chữa sẹo, lỗ chân lông to mà còn giúp trị thâm, trị nám, làm trẻ hóa làn da… Tuy nhiên, không ít chị em ôm trái đắng “tiền mất, tật mang” vì trót… lăn kim.

Nám đen mặt vì lăn kim

Mặc dù da mặt khá mịn màng nhưng chị Lê Huyền N. (Ba Đình, Hà Nội) vẫn không ưng vì màu da “bánh mật” của mình. Thấy bạn bè rỉ tai cách trẻ hóa làn da, trắng da bằng lăn kim, “rẻ mà hiệu nghiệm” nên chị cũng thử. Chị N. cho hay, mới làm cũng thấy da sáng lên chút, nhưng được vài ba tuần, lại đâu vào đấy.

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, chị Mai Kim T. (Hà Nội) chia sẻ: “Mình sợ lăn kim tới già. Cũng tìm đến cơ sở có uy tín, tìm hiểu rõ ràng vậy mà sau ba ngày lăn kim, mặt chị T. tấy đỏ, sưng và giờ đóng vẩy đen kín cả mặt…”. Theo lời chị T., vốn dĩ chị có dấu hiệu nám hai bên má và sẹo rỗ do trứng cá để lại. Nghe lời quảng cáo của một cơ sở thẩm mỹ về việc lăn kim không chỉ giúp xóa sẹo rỗ mà còn điều trị được cả vết nám chỉ với vài liệu trình nên chị quyết định theo. Không ngờ, nám, sẹo chưa thấy hết mà cả khuôn mặt bị “cày xới” đến đóng vảy thâm đen hết.

"Nếu lựa chọn phương pháp lăn kim cần tìm đến các cơ sở y tế có chuyên môn. Bởi nếu không biết rõ tình trạng da lại lạm dụng lăn kim sẽ dễ gây tai biến cho da như thâm nám, tăng sắc tố sau viêm hay viêm nhiễm da…”.

BS. Lê Anh Tuấn
Khoa Da liễu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Tương tự, chị Nguyễn Thanh H. (Đống Đa, Hà Nội) thất vọng tràn trề, bởi vốn dĩ khuôn mặt thi thoảng chỉ lốm đốm mụn giờ lại mọc lên chi chít mụn lớn, mụn bé chỉ sau khi lăn kim ở một cơ sở thẩm mỹ nhỏ cạnh nhà. Theo lời chị H., đó là nơi chị thường đến đắp mặt làm đẹp, chủ cửa hàng cho hay “kim lăn kích thích lên vùng da điều trị làm tăng sinh tế bào mới, sợi collagen và elastin, từ đó phục hồi làn da tươi trẻ và săn chắc” nên chị đồng ý thực hiện. Mới đây, đi khám da liễu, chị được bác sĩ chẩn đoán mụn nổi do viêm da mà nên.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, BS. Lê Anh Tuấn, khoa Da liễu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay: “Thực tế, lăn kim thường được chỉ định trong điều trị sẹo lõm, lỗ chân lông to và cũng có thể dùng trong làm đẹp da. Tuy nhiên, kỹ thuật này không phải ai cũng có thể thực hiện được và không phải ai cũng thích hợp để dùng phương pháp lăn kim này trong điều trị. Nếu không đúng chỉ định thì lợi bất cập hại”.

BS. Tuấn cũng cho hay, so với các dụng cụ thẩm mỹ khác, chi phí dụng cụ lăn kim thường rất rẻ. Với dụng cụ lăn kim cơ thường chỉ khoảng 300 nghìn đồng/bộ, còn lăn kim máy cũng chỉ 2,5 triệu đồng/bộ và đầu kim khoảng 80 nghìn đồng/chiếc nên cơ sở làm đẹp nào cũng dễ dàng mua về thực hiện. Cũng chính vì vậy mà phương pháp lăn kim bị lạm dụng như hiện nay.

Mặt bị mụn tuyệt đối không lăn kim

Theo lý giải của BS. Lê Anh Tuấn, bản chất của lăn kim là tái tạo da. Khi kim lăn, tạo ra các tổn thương nhỏ li ti trên bề mặt da, theo cơ chế lành vết thương sẽ hình thành quá trình tái tạo, tạo ra một lớp da mới. Tuy nhiên, việc tái tạo thế nào, hiệu quả đến đâu cũng tùy từng cơ thể.

BS. Tuấn nhấn mạnh, phương pháp này thường được sử dụng trong điều trị sẹo lõm, lỗ chân lông giãn rộng, tuy nhiên cần phải được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Lăn kim cũng sử dụng trong làm đẹp, tạo ra những lỗ nhỏ li ti trên bề mặt da để giúp các mỹ phẩm thẩm thấu tốt hơn vào sâu trong da. Tuy nhiên, để phương pháp này đạt hiệu quả, phải được thực hiện đúng chỉ định, đúng kỹ thuật và được chuyên gia đào tạo bài bản làm.

BS. Tuấn cũng cho hay, không phải làn da nào cũng có thể lăn kim. Những chị em có làn da nám hay bị mụn tuyệt đối không nên lăn kim. Vì lăn kim sẽ tạo nên tổn thương với những làn da nhạy cảm, yếu. Với người bị da mụn, kim sẽ mang vi khuẩn từ nốt mụn này sang nốt mụn kia và gây ra tình trạng viêm da lan tỏa trên khắp mặt. Lăn kim là phương pháp gây chảy máu nhẹ nên độ vô trùng phải đúng theo tiêu chuẩn y tế, nếu không sẽ gây viêm nhiễm tại chỗ, gây nhiễm khuẩn, nhiễm virus herpes mụn rộp... Nguy hiểm hơn là việc lây lan các bệnh qua đường máu như viêm gan B, HIV… Do vậy, tránh tuyệt đối việc dùng chung kim lăn.

“Cũng cần lưu ý, trên người châu Á có đặc điểm da type 4-5, ngăm đen rất dễ tăng sắc tố da; những người ở giai đoạn sau sinh, nám, tăng hoóc môn… thì lăn kim lại trở thành yếu tố kích động, làm tăng thêm các biểu hiện đen da, nám nặng…”, ông Tuấn cho biết.

Theo Vũ Anh - Giao thông

Cập nhật 15:00, 25/09/2017
Bài viết cùng danh mục