Khi có điều gì đó bất ổn đang xảy ra ở bên trong cơ thể bạn, những “manh mối” đầu tiên thường bắt đầu biểu hiện qua làn da.
Khi làn da của bạn gặp vấn đề gì đó, bạn thường có suy nghĩ chủ quan rằng đó có thể là do bạn rửa mặt không sạch hoặc chỉ là dấu hiệu dị ứng tạm thời. Tuy nhiên, trên thực tế, da của bạn giống như một hệ thống cảnh báo cho cơ thể và nó có thể báo hiệu tất cả các vấn đề sức khỏe. Dưới đây là 8 thay đổi của làn da và những vấn đề sức khỏe mà chúng đang cố gắng nói với bạn.
1. Da siêu khô
Vào những tháng thời tiết hanh khô, làn da của bạn hay có xu hướng bị nứt nẻ, khiến da mất đi độ ẩm. Tuy nhiên, nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng đi kèm như mệt mỏi, táo bón và tăng cân bên cạnh làn da tróc vảy, đó có thể là dấu hiệu suy giáp. Lúc này, bạn có thể làm xét nghiệm máu để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Làn da khô cũng có thể là một dấu hiệu của sự thiếu hụt axit béo omega-3, trong trường hợp đó, bạn nên bổ sung các thực phẩm giàu chất này như đậu nành, quả óc chó, thịt bò ăn cỏ.
Những thay đổi trên da cảnh báo bệnh nguy hiểm chớ tặc lưỡi bỏ qua
2. Mặt hay ửng đỏ
Nếu bạn trông như thể đang xấu hổ suốt cả ngày thì đó có thể là dấu hiệu bệnh rosacea. Mặc dù "thủ phạm" chính xác của căn bệnh này vẫn chưa được làm rõ, nhưng thực tế là các dấu hiệu có thể trở nên tồi tệ hơn. Nguyên nhân của nó được cho là có thể do thời tiết quá lạnh, uống rượu, ăn thức ăn cay và tình trạng stress.
Ngoài những yếu tố rõ ràng này, bác sĩ da liễu của bạn có thể khuyên bạn nên dùng thuốc theo toa và điều trị bằng công nghệ xung ánh sáng (dùng ánh sáng cường độ cao phát ra theo nhịp chớp để chiếu vào da) nhằm cải thiện tình trạng da và hạn chế vùng da bị ửng đỏ ở mức tối thiểu.
3. Tàn nhang
Những vết tàn nhang thường là hậu quả của việc phơi nắng quá nhiều mà không dùng kem chống nắng. Đó là cách làn da của bạn tự bảo vệ mình khỏi sự tàn phá của ánh nắng mặt trời. Những vết tàn nhang mà ban đầu xuất hiện như vết cháy nắng có nguy cơ tiến triển thành khối u ác tính, vì vậy khi gặp trường hợp này, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để chắc chắn làn da của mình vẫn an toàn. Nếu không có dấu hiệu nào của ung thư da, họ có thể giúp bạn phục hồi lại mức độ trắng của làn da phù hợp với yêu cầu.
4. Mụn trứng cá
Những nốt mụn trứng cá to thường xuất hiện khi bạn trải qua giai đoạn stress cao độ với công việc dày đặc deadline, một mối quan hệ tan vỡ, bị mất ngủ hay trước kỳ “đèn đỏ”. Hormone đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra mụn trứng cá ở người lớn và thường là dạng mụn bọc, có xu hướng mọc ở vùng nửa mặt dưới và cổ.
Nếu bạn nhận thấy mụn của mình là dấu hiệu của giai đoạn tiền kinh nguyệt, bác sĩ da liễu có thể kê cho bạn loại thuốc ngăn ngừa hoặc làm giảm tình trạng mụn. Tuy nhiên, nếu mụn của bạn không phải từ nguyên nhân này và bạn thường xuyên có chu kỳ kinh nguyệt không đều, lông mọc nhiều và tăng cân, đó có thể là dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang.
5. Da xuất hiện đốm đỏ
Những đốm đỏ lớn và lan rộng có thể là dấu hiệu của bệnh vảy nến, một bệnh tự miễn mà ở đó, hệ thống miễn dịch sẽ gửi tín hiệu cho các tế bào da phát triển quá nhanh. Điều này cho thấy cơ thể không thể loại bỏ những tế bào đó đủ nhanh. Thay vào đó, các tế bào chồng lên bề mặt da, gây ra các bản “vá lỗi” màu đỏ, làm da bạn dày lên và đóng vảy.
Đây là căn bệnh gần như không có phương pháp chữa trị chính thức nào và các bác sĩ da liễu thường kê đơn cho bạn loại kem bôi để hạn chế tình trạng trở nên tồi tệ hơn hoặc sử dụng liệu pháp ánh sáng. Và nếu bạn bị bệnh vảy nến thì hãy cẩn thận vì những người mắc bệnh này có nguy cơ cao phát triển bệnh tiểu đường loại 2, huyết áp cao và bệnh tim mạch.
6. Da tái xanh
Da tái xanh kết hợp với tình trạng thiếu năng lượng và khó thở có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu. Nguyên nhân của nó thường là do sự thiếu hụt chất sắt. Để giảm tình trạng này, bạn có thể bổ sung sắt, các loại thực phẩm giàu chất sắt như gia cầm, hải sản, rau xanh đậm. Tuy nhiên, nếu như da bạn đột ngột bị tái xanh mà không rõ lý do, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để xem mình liệu có gặp vấn đề nghiêm trọng như chảy máu trong hoặc bệnh bạch cầu hay không.
Những thay đổi trên da cảnh báo bệnh nguy hiểm chớ 'tặc lưỡi bỏ qua'
7. Da xuất hiện các mảng tối
Các mảng da tối trên vùng cổ, dưới cánh tay và ở khu vực đùi trong là một tình trạng được gọi là bệnh gai đen (acanthosis nigricans). Tình trạng này khiến vùng da bị ảnh hưởng trở nên tối màu, dày hơn và có cảm giác mượt mà khi chạm vào. Nó cũng có thể là dấu hiệu ban đầu của đường loại 2. Bác sĩ có thể sẽ kiểm tra mức độ insulin và xét nghiệm hàm lượng đường glucose lúc đói. Nếu chúng đang gặp bất thường, việc kiểm soát tình hình sẽ giải quyết được vấn đề của da.
8. Da ngứa điên đảo
Có cả đống lý do có thể dẫn tới tình trạng da bạn ngứa điên đảo và nguyên nhân thường gặp nhất là do bạn dị ứng với cái gì vừa ăn phải, sự thay đổi môi trường hoặc phản ứng với thuốc. Ngoài nguyên nhân trên, các bác sĩ có thể kiểm tra để những nguy cơ tiềm ẩn khác như nhiễm trùng, có vết cắn, các bệnh như celiac, thiếu máu, tiểu đường.
Theo emdep.vn