HotLine: 0902 63 64 39 - 0916 422 911 ( Zalo - Viber )
Giỏ hàng 0
Trang chủ Tin Tức Làm Đẹp Hỗ Trợ Khách Hàng Dị ứng mỹ phẩm - cách xử trí và phòng ngừa

Dị ứng mỹ phẩm - cách xử trí và phòng ngừa

Cập nhật 21:00, 27/08/2015

Sau khi bôi bất kỳ loại mỹ phẩm nào nếu thấy da bị nổi sẩn, ngứa đỏ thì ngừng ngay lập tức, dùng vòi nước rửa cho mạnh để làm trôi đi mỹ phẩm.
 

Ngày nay, sử dụng mỹ phẩm để làm đẹp đã trở thành nhu cầu tất yếu. Để đáp ứng nhu cầu đó, thị trường mỹ phẩm ngày càng phong phú, phục vụ nhiều tầng lớp người tiêu dùng trong xã hội. Song song với việc sử dụng đó thì khuynh hướng dị ứng mỹ phẩm ngày càng nhiều, đa dạng, có khi để lại nhiều biến chứng.

Phân loại và nguồn gốc mỹ phẩm

Mỹ phẩm là dược phẩm dùng trong điều trị:

Nhóm dùng trong điều trị mụn trứng cá như: Dalacin T, Stiemycine, Erythrogel, Panoxyl, Differin…; điều trị nám da: Renova, Hiqueen… Các thuốc điều trị khác: Madecassol, Trangala, Cetaphil… Trong nhóm này, các dị ứng thường gặp bởi các kháng sinh thoa tại chỗ hay thuốc nhóm bôi trị nám da, nhẹ thì biểu hiện khô da, viêm da dị ứng, chàm hóa, nặng hơn có thể như nổi mề đay cấp, sốc phản vệ…
 

Nhóm có corticoid như: Dermovat, Eumovat, Cortibion, Flucinar, Halog, Diprosalic… Các biến chứng ở nhóm này thường gặp như gây mụn trứng cá, teo da, khô da, mất màu da còn gọi là bạch biến do thuốc…

Mỹ phẩm dùng trong dưỡng da:

Loại này có: sữa rửa mặt, kem dưỡng da, dầu gội, kem làm trắng da, kem dưỡng chống nhăn da... Nhóm này ít gây dị ứng hơn do các nhà sản xuất có nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra sử dụng. Tuy nhiên, cũng có thể dị ứng đối với từng người, nhất là cơ địa dị ứng và thường là dị ứng nhẹ hơn các nhóm khác.

Mỹ phẩm là sản phẩm dùng trong trang điểm:

Loại này bao gồm: phấn phủ, kem lót, kem chống nắng, keo xịt tóc, thuốc nhuộm tóc. Nếu các sản phẩm mang nhãn hiệu uy tín thì chất lượng tốt hơn, ít tác dụng phụ hơn so với hàng trôi nổi không rõ xuất xứ. Trong nhóm này, các biến chứng thường gặp nhất là viêm da dị ứng do thuốc nhuộm và duỗi tóc; giãn lỗ chân lông và mụn trứng cá do phấn phủ và kem lót.

Biểu hiện dị ứng mỹ phẩm

- Nổi mụn trứng cá: triệu chứng thường gặp nhất, do bôi các loại mỹ phẩm làm bít các lỗ chân lông chân lông, gây ứ động chất bã nhờn.

- Viêm da dị ứng: đây là dạng dị ứng rầm rộ hơn, biểu hiện bằng mảng hồng ban (mảng đỏ vùng bôi mỹ phẩm) kèm theo mụn nước và ngứa.

- Mề đay: bao gồm những sẩn phù rất giống như những vết nổi gồ trên mặt da như muổi cắn hay những lằn roi đánh vào mặt da, kèm theo ngứa.

- Chàm tiếp xúc: mảng hồng ban giới hạn rõ kèm theo mụn nước và ngứa.

- Khô da: da khô và tróc vảy.

- Teo da: thường gặp ở những người dùng nhóm thuốc có corticoid kéo dài.

- Sạm da: tăng sắc tố sẩm màu.

- Lão hóa da như: nhăn da, đốm nâu, khô, nhám, tăng sừng.

Xử trí khi bị dị ứng mỹ phẩm

Sau khi bôi bất kỳ loại mỹ phẩm nào nếu thấy da bị nổi sẩn, ngứa đỏ thì ngừng ngay lập tức, dùng vòi nước rửa cho mạnh để làm trôi đi mỹ phẩm. Thông thường chỉ cần ngưng ngay mỹ phẩm thì các triệu chứng trên sẽ giảm dần và hết hẳn. Tuy nhiên, ở một số người có dị ứng càng ngày càng nặng hơn cần phải được điều trị. Tùy theo mức độ mà điều trị khác nhau. Đối với viêm da tiếp xúc chỉ cần bôi ngắn hạn các thuốc có corticoid như: Eumovate, dermovat, flucinar… Trường hợp thật nặng thì uống thêm các thuốc kháng dị ứng như: Clarytine, Cezil, Celestamine, Peritol, Pipolphen, Semprex… Uống vitamin C liều cao. Thông thường chỉ sau 3 ngày điều trị, các triệu chứng sẽ giảm nhanh chóng và khỏi hẳn.

Phòng ngừa dị ứng mỹ phẩm

Nói chung nên tránh lạm dụng mỹ phẩm vì trên thực tế không có loại mỹ phẩm nào là bổ dưỡng cho da cả. Đối với người đã từng dị ứng loại mỹ phẩm nào đó thì suốt đời không nên sử dụng lại. Đối với người có cơ địa dị ứng như nổi mề đay, hen (suyễn) thì phải thật thận trọng khi dùng mỹ phẩm.

Cần thử phản ứng trước khi sử dụng mỹ phẩm nhất là những mỹ phẩm mới sử dụng lần đầu tiên, có nhiều phương pháp:

- Phương pháp thử da ở mặt trong cánh tay:

- Thoa mỹ phẩm vào vùng da ở mặt trong cánh tay để trong 24 đến 48 giờ.

- Phương pháp xác định phản ứng với mỹ phẩm chậm: thoa mỹ phẩm lên vùng da mặt trong cánh tay 2 lần một ngày trong 2 tuần với diện rộng khoảng 5cm để xác định phản ứng. Nếu vượt quá thời gian trên ở vùng da thoa thuốc không biểu hiện gì như ngứa, hồng ban, nổi mụn nước… thì chứng tỏ không bị dị ứng với mỹ phẩm đó.

Ngày nay với mức sống ngày càng cao, việc sử dụng mỹ phẩm để làm cho cuộc sống thêm sinh động cũng là điều bình thường. Nhất là vào mùa cưới, mùa lễ - tết thì việc trang điểm là một nhu cầu không thể thiếu được cho mọi người dân. Tuy nhiên, việc sử dụng cũng cần thân trọng với những mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, cần thận trọng hơn đối với người có cơ địa dị ứng như hen suyễn, mề đay, chàm, viêm da dị ứng… và không bao giờ sử dụng lại khi đã dị ứng với mỹ phẩm đã dùng.

Theo BS.CKI.TRẦN QUỐC LONG/SKĐS

Cập nhật 21:00, 27/08/2015
Bài viết cùng danh mục